Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập (Kỳ cuối): Khuyến học - khuyến tài
VHO- Những gương sáng điển hình tại Hội thảo Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp tổ chức đã một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập…
Hội thảo “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”
Nét đẹp trong đời sống văn hóa
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, từ năm 1999 đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện các mô hình Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học rồi đến Gia đình học tập, Dòng họ học tập, với mục đích vận động người dân học tập thường xuyên và suốt đời để bồi đắp tri thức, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, từ đó xây dựng xã hội học tập ở nước ta. Đây là những mô hình đặc sắc không có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới và những danh hiệu này do Nhà nước quy định; việc đánh giá, phong tặng do chính quyền các cấp thực hiện. Nội dung của mỗi mô hình chứa đựng những nét đẹp truyền thống được tôn vinh qua từng tiêu chí, chứa đựng tình cảm và sự sáng tạo của lớp lớp thế hệ làm khuyến học, được các cấp lãnh đạo ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thực hiện và được các gia đình, dòng họ đồng tình hưởng ứng.
Nhiều gia đình, dòng họ tiêu biểu đã được vinh danh trong Đại hội biểu dương những mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc năm 2016 và năm 2021. Đến nay, thực tế đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, dòng họ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn nét đẹp văn hóa ở làng, xã, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua việc thực hiện các mô hình học tập.
Qua trao đổi, các dòng họ tiêu biểu và có thành tích cao trong thực hiện công tác khuyến học như dòng họ Trương, dòng họ Nguyễn Xuân, dòng họ Dương, dòng họ Đặng, dòng họ Đoàn, dòng họ Nguyễn... ở nhiều cấp có thể là cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố hoặc liên tỉnh, thậm chí có dòng họ hoạt động trên phạm vi cả nước. Các dòng họ đều lập ra những ban khuyến học, khuyến tài để thực hiện đều đặn các công việc như: Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; trao thưởng cho những thành viên đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học, văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao… cấp toàn quốc và quốc tế; lập tủ sách gia tộc để tạo nên các thư viện riêng cho con cháu mở mang kiến thức; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ có ý thức học tập để trở thành người tốt, tránh xa tệ nạn xã hội; doanh nghiệp trong họ tạo công ăn việc làm cho con em... Có những dòng họ còn tích cực làm những công việc không chỉ của riêng mình như họ Đoàn tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, hiến đất mở rộng đường, đóng tiền nâng cấp mặt bằng để tạo cho giao thông đi lại dễ dàng; dòng họ Huỳnh đứng ra tự làm con đường bê tông hóa ở địa phương...
Những dịp vinh danh, khen thưởng con cháu đạt thành tích tốt trong học tập là ngày vui, hạnh phúc chung của cả dòng họ. Buổi lễ được tổchức tại từ đường trong bầu không khí rất
trang nghiêm, có các bậc cao niên trong họ tham gia. Các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng cho tới cả những người đã trưởng thành, những cá nhân có thành tích trong công tác hay những người được phong tặng danh hiệu tiến sĩ, thạc sĩ... đều được tuyên dương, khen thưởng. Đây được coi như một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của nhiều dòng họ, tạo động lực phấn đấu cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình nỗ lực hơn để đạt những thành tích cao trong học tập.
Lễ tuyên dương tiến sĩ, thạc sĩ và trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi gia tộc Nguyễn Văn
Cần coi đánh mắng là sự thất bại
Từ những thành tích đạt được ở một số tỉnh, thành cho thấy bí quyết tạo nên sự thành công và kết quả cao trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đó là: Phát huy vai trò nòng cốt của Hội khuyến học các cấp, tăng cường sựphối hợp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến học nói chung, việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập nói riêng, từ đó khơi dậy tinh thần thi đua trong các gia đình, dòng họ; động viên, khuyến khích con cháu học tập. Đề cao vai trò của các gia đình, dòng họ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng đối với việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập...
Nhiều giải pháp, mô hình thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài được nêu ra tại Hội thảo là những kinh nghiệm vô cùng quý báu, phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập. Đại diện tỉnh Yên Bái nhấn mạnh về phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, quan tâm huy động nguồn lực, phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài. Mặt khác là công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, những điển hình cósức lan tỏa trong công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập. Đại diện tỉnh Tây Ninh chia sẻ về mô hình Gia đình tôi học tập và làm theo Bác huyện Tân Châu (Tây Ninh) đã tạo sự lan tỏa, có hiệu ứng tích cực và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Toàn huyện có 100% cơ quan, đơn vị, hơn 90% đảng viên và hơn 40% hộ dân treo ảnh Bác hoặc câu nói của Bác trong nhà nhằm giáo dục cho mọi thành viên trong gia đình ý thức được việc tự tu dưỡng, rèn luyện theo gương Bác, xây dựng nên văn hóa học tập trong mỗi gia đình và bản thân. Nhiều cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện một phần việc cụ thể, thiết thực như Túi gạo 10.000 đồng, Tiết kiệm thường xuyên hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Cha mẹ phải làm gương cho con cái trong giáo dục truyền thống gia đình. Sự trưởng thành và đức hạnh của thế hệ trẻ chính là hạnh phúc của gia đình, của dòng họ. Những khuyết điểm, lệch lạc của con cháu phải là nỗi quan tâm sâu sắc của bố mẹ, ông bà. Sự giáo dục cần nghiêm khắc nhưng phải văn minh với tinh thần yêu thương, nhất thiết không phải là đánh mắng thô bạo. Cần coi đánh mắng là hạ sách và phản tác dụng. Ngược lại, cần động viên và khen thưởng kịp thời trước những cố gắng, những thành tích dù nhỏ của con, cháu. Động viên bằng lời khen, bằng quà tặng chứ nhất thiết không nên là tiền bạc”.
Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã thúc đẩy sự tác động của các trào lưu xã hội ảnh hưởng nhanh, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của con người trong một thế giới đầy biến động. Do đó, cần tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để tạo cơ hội học tập nhằm bồi đắp tri thức cho mọi người ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực để họ có đủ trình độ sàng lọc thông tin, phân biệt những ảnh hưởng tốt, chưa tốt của các trào lưu hiện nay.
Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập là mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng tương lai sáng tạo và tiến bộ, xây dựng xã hội năng động, thích nghi với những thách thức của thế giới hiện đại. Mỗi gia đình phải có trách nhiệm tạo cơ hội học tập cho các thành viên để có tri thức, có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường phát triển toàn diện con người Việt Nam trong tương lai. Từ đó góp phần phát triển một xã hội hiếu học, biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thỏa mãn mọi nhu cầu học tập. (Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương NGUYỄN TRỌNG NGHĨA) |
THÚY HIỀN
"Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện"